Chuyện phiếm với Nhà văn Tô Hoài

Ngồi chuyện phiếm thì rất hóm hỉnh và đôi khi tếu táo, song trong các cuốn sổ ghi chép của mình mà nhà văn đã đưa tôi đọc sau câu nói “người đâu mười hẹn chín thường đơn sai” khoảng hai mươi năm trước, tôi đã ghi lại những nhận xét rất tinh tế, rất chính xác và vô cùng chi tiết...

 

Dịp Tết trung thu vừa rồi, Ban thiếu nhi Hội nhà văn Việt Nam mời chúng tôi - những người viết cho trẻ em - đến họp mặt bàn về sáng tác. Tôi đến muộn, các dãy ghế đã gần kín người. Tìm được một chỗ, tôi ngồi xuống rồi mới nhìn quanh và nhận ra nhà văn Tô Hoài đang ngồi đối diện ở dãy bàn bên kia. Hình như bác khẽ nháy mắt cho tôi nhìn sang ghế bên phải bác còn trống. Thế là tôi đổi chỗ, sang ngồi bên cạnh Tổng biên tập của mình (10 năm trước: 1995-1996- Bác Tô Hoài làm Tổng, tôi là Phó của tờ Người Hà Nội) và thế là như bao lần ngồi bên nhà văn trong các cuộc họp, chúng tôi thì thào chuyện phiếm.

- Anh đi đến đây bằng gì ạ?

- Dạo này tôi cứ thủng thẳng đi bộ cô ạ. Có lúc thì cầm thêm cây can, như cụ Nguyễn Tuân ngày xưa ấy, nhưng thường là cứ túc tắc, rồi cũng đến. Mà còn đến trước ấy chứ! (Tôi nghe và phì cười. Đấy là nhà văn nói trêu cái tật hay đến muộn của tôi).

Nhớ dạo chưa đổi mới, khoảng cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, Hội Văn nghệ Hà Nội ra tạp chí Người Hà Nội, sáng thứ năm nào cũng họp Hội đồng biên tập gồm nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, họa sĩ Quang Phòng, nhà thơ Bùi Huy Phồn, nhà thơ Bằng Việt và tôi.

Thường lúc tôi đến bao giờ nhà văn Tô Hoài cũng đã có mặt. Và nếu có ai đó nhắc nhở tôi, bác thường gạt đi: Cô ấy là phụ nữ mà. Còn phải làm bao nhiêu việc rồi mới đến đây được phải không? Một lần khác, sau khi họp, bác hẹn tôi hôm sau đến cơ quan để bác đưa cho đọc một bản thảo nào đó, tôi nghĩ cơ quan của bác ở Hội nhà văn nên đến thẳng đấy, còn bác lại ngồi đợi tôi ở Hội văn nghệ Hà Nội. Thế là không gặp. Hôm sau nữa, bác đưa một tập bản thảo bọc kín với cái cười mủm mỉm cùng câu ca dao cổ: “Người đâu mười hẹn chín thường đơn sai”.

http://tonvinhvanhoadoc.vn/images/stories/2011/vhvn/thanhnhan_tohoai.jpg

Nhà văn Tô Hoài và 2 mẹ con nhà thơ Thanh Nhàn tại nhà riêng nhà văn Tô Hoài ở phố Đoàn Nhữ Hải, Tết năm 1982.

Những câu chuỵên phiếm khi ngồi với bác trong và sau các cuộc họp Hội đồng biên tập hồi đó đã khiến tôi ghi vào sổ tay một câu thơ có “tính chất nhật ký”:

Với gương mặt ấy thông minh

Tháng ngày bỗng tặng riêng mình thứ năm

Bởi vì những điều bác nói đều rất nghiêm khắc, rất chính xác nhưng cũng vô cùng khiêm nhường và giản dị. Ví dụ sau khi đọc cuốn truyện vừa “Hoa mặt trời” tôi viết về chị Phạm Thị Nhặt, một nữ du kích ở làng Chuông, quê ngoại của Tô Hoài, nhà văn nói:

- Tôi thấy cô chưa chịu khó nhận xét. Ví dụ con đê ở quê tôi không giống đê Yên Phụ của cô đâu. Cả nghĩa trang làng Chuông cũng khác nghĩa trang trong quê Tứ Liên của cô. Rồi lá làm nón lấy từ đâu, ngâm rửa phơi phóng thế nào, chỉ khâu nón bằng gì, cô vẫn chưa biết mà đã dám viết rồi đúng không?

Tôi ngồi im. Nhà văn cười:

- Cả chi tiết này nữa. Đánh cuộc nhé. Cái thuyền tán thuốc bằng gang chứ không thể bằng đồng vì bằng đồng thì thuốc tán sẽ bị axit đồng dính vào, hỏng hết. Chịu khó xem lại đi. Không cần về tận làng Chuông đâu, cô chỉ cần rẽ qua Lương Văn Can thôi.

Tối hôm ấy tôi không đến phố thuốc bắc mà về Yên Phụ, vào nhà cụ Đồ, nơi ngày nhỏ tôi vẫn đến ngồi tán thuốc cùng chị Thảo con gái cụ mà không nhớ rõ chiếc thuyền làm bằng gì, cứ viết liều là chiếc thuyền đồng. Thì ra nó bằng gang và vẫn còn được nhét dưới gầm giường chưa ai nỡ vứt. Chịu thầy!

Thứ năm sau, gặp lại nhà văn, tôi bướng:

- Em công nhận mình sai. Nhưng chắc chắn trong đời viết của mình, anh cũng có lần đưa chi tiết sai chứ ạ.

Nhà văn gật gù:

- Có chứ. Đôi khi mình cũng ẩu như Nhàn ấy.

Và cho đến tận rằm trung thu 2006, khi ngồi cạnh tôi ở cuộc họp Ban thiếu nhi, Tô Hoài hình như vẫn còn nhớ chuyện cũ. Bác cười:

- Tôi lại kể cô nghe về một chi tiết sai mà ngày xưa tôi chưa kể nhé. Cô vừa nghe trưởng ban văn học thiếu nhi tuyên dương Dế mèn phiêu lưu ký được dịch nhiều thứ tiếng (bác có đặc điểm là vừa nói chuyện vừa theo dõi cuộc họp, còn tôi thì không). Đúng. Dịch nhiều và tôi cũng được đi nhiều nơi: Đức, Nga, Ấn Độ, Ba Lan... để nói chuyện với thiếu nhi các nước về cuốn này. Nhưng chỉ ở Nga mới thực sự thấy thú vị, vì trẻ con ở đây rất tinh tế và tò mò. Đấy là một phẩm chất nhà văn, cô hiểu không? Các em hỏi tôi: Chúng cháu đã đọc sách của bác. Chúng cháu cũng chơi chọi dế, cũng đúc dế như các bạn Việt Nam. Nhưng dế của chúng cháu răng nâu chứ không trắng như bác viết. Cháu hỏi bác chả lẽ dế ở Việt Nam răng trắng, dế ở Nga răng lại nâu ạ? Tôi về cứ ngượng mãi.  Thực ra lúc viết mình cũng có xem răng của dế thế nào đâu. Cứ nghĩ răng người trắng, răng dế cũng trắng. Lần ấy về bắt dế xem lại, hoá ra răng nâu thật.

Tôi lảng sang chuyện khác:

- Buổi chiều anh còn đi bộ quanh hồ Thiền Quang như trước đây không ạ?

- Trời nóng như hôm nay thì vẫn đi. Có khi hai vòng nữa cơ. Cả ngày ngồi viết, cuồng chân mà.

- Anh vẫn đang viết cái gì đấy ạ?

- “Ba người khác”, chuyện hồi cải cách ruộng đất. Bây giờ thì viết được rồi.  Mùa hè, chớm thu đi bộ quanh hồ hay phải biết.

Tôi cười:

- Còn có em nào xin làm cho bác phấn khởi nữa không ạ.

Dạo còn công tác ở Hội văn nghệ Hà Nội, thỉnh thoảng mấy anh em ngồi chuyện phiếm. Nhà văn Tô Hoài nói vui:

- Tối qua tớ từ Đoàn Nhữ Hài đi bộ ra hồ Thiền Quang, đang lững thửng thì có một con bé mắt xanh mỏ đỏ xán đến: “Anh cho em đi cùng được không ạ?”. Mình không nói gì. Nó cứ đi theo, gạ: “Tối nay anh đi chơi với em nhé”.

(Năm ấy nhà văn đã hơn 70 tuổi).

Mình không nói gì. Nó cười cười: “Đi thư giãn thôi mà anh!”. “Tao ngần này tuổi rồi thư với giãn cái con khỉ gì nữa!”. “Ôi bố ơi, con vẫn có cách làm cho bố phấn khởi cơ. Mấy cha Tàu già hơn bố con còn làm được mà!”.

Mấy anh em phá ra cười. Nhà thơ Vũ Quần Phương gật gù:

- Em thấy nó dùng từ phấn khởi hay quá đi mất. Nghe có vẻ tổng kết tình hình cơ quan ghê cơ!

Ngồi chuyện phiếm thì rất hóm hỉnh và đôi khi tếu táo, song trong các cuốn sổ ghi chép của mình mà nhà văn đã đưa tôi đọc sau câu nói “người đâu mười hẹn chín thường đơn sai” khoảng hai mươi năm trước, tôi đã ghi lại những nhận xét rất tinh tế, rất chính xác và vô cùng chi tiết:

- Những ngày sang xuân, có tiếng chim nhỏ kêu trong nách tường.

- Mưa bụi vân vân xuống lòng đường.  Người đi người đi tấp nập mà không ai đụng đến ai.

- Gió thổi vào lá xoan rì rào tiếng mềm. Gió thổi vào lá tre rì rào tiếng sắc.

- Cà phê Lâm: trễ tràng. Đủ loại: công an, họa sĩ, lưu manh, các cô học đòi... chủ nhân dại mà khôn nhưng khôn nhiều hơn.

- Cà phê Yên Phụ đặc vẻ ngoại ô: Có cây hoa xoan nở. Cô bán hàng nhận ra hết mặt khách quen. Vẻ trân trọng. Cửa hàng nhỏ mà đẹp lắm: bể cá, hôm nào cũng có hoa tươi.

Mồng 3 Tết vừa rồi, tôi đến thăm nhà văn ở ngõ Đoàn Nhữ Hài. Bác gái mang gói mứt gừng ra, cười:

- Cô ăn cho ấm.

Chưa trò chuyện gì đã thấy tiếng gõ cửa. Thì ra có hai bác khoảng ngoài 70 tuổi từ xa đến chúc Tết. Bà bạn vui vẻ nắm tay bác gái, than:

- Không biết sang năm còn đến thăm hai bác được không? Dạo này yếu quá rồi!

Tôi ước gì khi đã ngoài 80 như hai bác vẫn còn có bạn cũ đến thăm. Và vẫn còn hai ông bà bên nhau, ông thì pha trà, bà thì lấy mứt…

LÀM BÁO “NGƯỜI HÀ NỘI” VỚI NHÀ VĂN TÔ HOÀI

Năm 1985, tôi từ báo Hà Nội Mới chuyển về làm việc tại tuần báo Người Hà Nội do nhà văn Tô Hoài làm Tổng biên tập. Cơ quan không nhiều, chỉ hơn mười anh chị em, mà biên tập viên là một số nhà văn nhà thơ có tiếng ở Hà Nội như Bằng VIệt, Triệu Bôn, Tô Hà, Chử Văn Long… Lúc ấy, ngoài bác Tô Hoài làm Tổng biên tập, còn có anh Bằng Việt làm phó Tổng biên tập và anh Triệu Bôn làm Trưởng ban biên tập. Tuy là phó nhưng anh Bằng Việt lại kiêm Tổng thư ký Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nên rất bận, ít thời gian làm báo. Vì thế bài vở, cộng tác viên, họp báo, giao ban, in ấn… đều do bác Tô Hoài chịu trách nhiệm.

http://tonvinhvanhoadoc.vn/images/stories/2011/vhvn/thanhnhan_tohoai1.jpg

Nhà văn Tô Hoài, Thanh Nhàn, Bảo Chân, Bằng Việt tại Thịnh Long, Hải Thịnh, Nam Định, tháng 08/1998.

Tháng 5-1985, khi báo ra những số đầu tiên, tuy đã cao tuổi, nhà văn Tô Hoài vẫn tự mình xuống nhà in, có khi thức cùng anh chị em công nhân để theo dõi và đôn đốc việc in báo. Những năm 1985-1986 là thời kỳ báo Người Hà Nội khởi sắc nhất.

Các chuyên mục do nhà văn Tô Hoài trực tiếp phụ trách như: Truyên ngắn, Văn vật thủ đô, Chuyện cũ Hà Nội… đều được bạn đọc yêu thích. Nhiều nhà văn và bạn viết cao tuổi như các cụ Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Văn Uẩn, Nguyễn Tất Tố, Chu Hà, Lạc Nam, Thái Bá Vân… cùng bạn viết các tỉnh đã nhiệt tình cộng tác với sự có mặt của các cây bút nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc.

Nhà văn Tô Hoài là người đã làm báo, viết báo nhiều năm. Vừa làm Tổng biên tập, phải duyệt và sửa bài, bác vẫn  thường xuyên viết từ các mẩu tin nhỏ, vài dòng trong mục “Hộp thư” hoặc “Trả lời bạn đọc” đến “Sổ tay phóng viên” rồi xã luận, truyện ngắn và nhiều  tiểu luận, chuyên mục mà phía dưới bài viết thường ký các bút danh Hồng Hoa, Duy Phương, Trà My, có khi là PV hoặc NHN (Người Hà Nội).

Nhiều buổi trưa, cả tòa soạn ở lại cơ quan. Có hôm tôi thấy nhà văn mở cặp lấy ra bữa trưa và thong thả ngồi ăn. Tôi nhìn mà không hiểu bác đang ăn món  gì, bèn lại gần xem thử:

- Bánh mì hay cơm nắm đấy ạ?

Nhà văn cười tủm, đưa ra một nắm trăng trắng vàng vàng. Tôi kêu:

- Ối giời, phẩm oản từ hôm tết hay sao? Chắc là cụ thấy trên bàn thờ có sẵn, cứ thế cho vào cặp mang đi rồi!

Nói xong, tôi cầm phẩm oản đã rắn như đanh giấu đi. Nhà văn cười:

- Nhai kỹ nó vẫn bùi bùi thơm thơm, ngon đáo để! Thôi, các cô các cậu đi với mình ra ngõ Hàng Chiếu nhé!

Cả bọn nhao nhao vỗ tay và đi cùng Tổng biên tập ra cái ngõ phía cửa ngách chợ Đông Xuân. Ở đây bày bán la liệt các loại hàng ăn; bún thang, bún ốc,xôi chè, phở chua, nem rán… Trong khi ngồi ăn, nhà văn thường kể cho chúng tôi nghe lai lịch từng món: nem rán gốc ở Sài gòn, phở chua từ Trung Quốc sang, bún ốc là quà quê, bún thang mới là món ăn Hà Nội…

Sau bữa trưa vui vẻ và đạm bạc, tất cả về quây quần bên bàn nước, chuyện trò sôi nổi. Lúc này nhà văn Tô Hoài thường hóm hỉnh và nhẹ nhàng phê bình những sai sót của chúng tôi trong công tác biên tập. Ví dụ một lần, nhà văn hỏi tôi:

- Bài chân dung văn nghệ sĩ vừa đánh máy, cô viết “tôi và Xuân Quỳnh”, đúng không?

- Đúng ạ.

Nhà văn nói:

- Hôm trước, Vương Trí Nhàn gửi bài đến, viết: “tôi và bác Nguyễn Tuân”, tôi đã nhắc cô sửa lại rồi. Người viết không nên xưng tôi trước, trừ những trường hợp có tính nội dung, còn bao giờ cũng phải để chữ “tôi” sau:  Nguyễn Tuân và tôi”, “Xuân Quỳnh và tôi” kể cả “người quét rác và tôi’ hay “con gái tôi và tôi nữa”.

Tôi le lưỡi:

- Lần này thì em nhớ. Nhưng khi nào viết về bác, nhất định em sẽ viết “tôi và nhà văn Tô Hoài”.

Tất cả cười vui trong khi nhà văn cốc nhẹ vào đầu tôi: “Bướng hả?”

Nói đùa vậy, sau lần ấy, tôi đã nhớ như in: Khi viết bài, không bao giờ ghi chữ “tôi” trước tên người khác. Cũng hôm ấy, nhà văn còn nói thêm với anh em biên tập:

- Hôm nay các cậu đưa cho mình duyệt bài “Chuyện cũ Hà Nội” có hai chỗ nếu không biết thì sẽ không sửa cho đúng được. Đó là câu: “Phần thưởng là một dải lụa đỏ” và câu “chiếc kiệu sơn đen”. Mình đã sửa lại cho đúng: “phần thưởng là một tấm lụa điều”. Tấm lụa điều là cách nói vừa dân dã vừa trân trọng từ ngàn xưa, còn dải lụa đỏ là cách nói rất thực nhưng thô và thiếu trang nhã. Còn “sơn đen” cũng là tiếng nói của hôm nay. Trong không khí của chuyện cũ Hà Nội, mình đã sửa lại cho chính xác, là sơn then. Các cô các cậu còn trẻ, phải chịu khó đọc nhiều, muốn là người biên tập giỏi thì cái gì cũng phải biết, nhất là câu chữ.

Bọn chúng tôi, lớp đàn em của nhà văn nhìn nhau gật gù chịu trận.

Khi anh Bằng Việt chuyển công tác khác, tôi là phó tổng biên tập báo. Tôi làm công văn xin thành phố bù lỗ vì giá giấy tăng nhanh quá, báo lại không phát hành được nhiều. Trước khi gửi, tôi đưa Tổng biên tập Tô Hoài xem. Nhà văn gạch dưới những chữ “xin’ của tôi trong các câu: xin các đồng chí xem xét”, “xin trân trọng cảm ơn’ và nói:

- Trong công văn và trong mọi trường hợp khác, không nên dùng chữ “xin’’, nó không phải văn hành chính mà nghĩa lại xấu, không nên dùng. Cô hãy sửa là “đề nghị” hay “mong, kính mong” thôi. Cuối cùng chỉ “Trân trọng cảm ơn” là đủ. Thế nhé.

Và tôi lại nhớ thêm một trường hợp dùng chữ nữa. Có lần tôi viết “sổ tay phóng viên” với cái tít “Số nhà trong thành phố” và đưa bác Tô Hoài duyệt. Nhà văn vừa đọc đã dùng bút xóa ngay chữ “thành”, còn lại “Số nhà trong phố”. Tôi rất khâm phục và thích thú vì tên bài báo đã giản dị hơn, đúng với ý phê phán sự lộn xộn của các số nhà trên một vài đường phố ở thủ đô, không đao to búa lớn như tôi đặt tên bài báo.

Năm 1989, nhà báo Nguyễn Triều viết cho chúng tôi một bài phóng sự dài với cái tít “Cà phê xanh” nêu hiện tượng một số quán cà phê trá hình chứa gái làm tiền. Tôi muốn đăng nguyên văn bài này, vì nó dự báo một hiện tượng xấu có khả năng trở thành phổ biến ở thủ đô. Nhưng lúc ấy, việc báo chí nêu những chuyện tiêu cực còn bị hạn chế và rất dễ bị phê phán là: “Bôi đen”! Tôi trao đỏi với Tổng biên tập xem nên sử dụng cách nào. Nhà văn cầm bài báo và nói: “Cô để tôi”. Sau khi đọc xong, bác rút gọn bài báo, không còn là phóng sự nữa mà chỉ là ý kiến trong mục “Sổ tay phóng viên”. Tuy thế, sau khi đăng, bài báo nhỏ vẫn bị phản ứng dữ dội. Một chủ quán cà phê ở đường Lò Đúc đến gặp ban biên tập, kiện là chúng tôi vu cáo cửa hàng giải khát của ông ta, tuy bài báo đã cẩn thận không nêu đích danh một địa điểm nào cụ thể. Một đồng chí ở cơ quan phụ trách báo chí thì nhắc tôi là “Không nên nói xấu” thành phố của mình. Vì theo đồng chí ấy thì Thủ đô đang có bao nhiêu việc tốt, sao không tuyên truyền mà lại nêu một hiên tượng xám xịt trong sinh hoạt của thanh niên mà phê phán? Tôi rát buồn, than phiền với Tổng biên tập:

- Em chán quá. Làm báo thế này thì sao mà hay được?

Nhà văn cười:

- Báo có gì sai sót bị nhắc nhở, cô cứ đổ hết tội cho tôi, tôi đối phó giỏi hơn cô mà. Cơ quan hay ai phê bình cái gì, khen hay chê ta cũng cảm ơn để xem xét hết. Phê bình là quyền của mọi người. Làm báo như người làm xiếc, lúc nào cũng đi trên cái dây cheo leo giữa xung quanh dư luận. Làm sao để lúc nào mình cũng vẫn là mình mà lại không ngã xuống. Cô phải tránh nhất là không để sai sót về chính trị. Mà chính trị thì phải nhớ là nhiều khi chỉ sơ ý để lọt một câu, thậm chí một chữ do mình vô tình, còn người viết có thể có ý khác. Cho nên duyệt bài phải đọc thật kỹ cô ạ. Chẳng có báo nào tránh được mọi sai sót. Có làm việc là có khuyết điểm, chỉ cần biết nghiêm túc rút kinh nghiệm. Thành phố và cấp trên rất thông cảm với chúng ta, cô đừng ngại.

Nhờ những từng trải của nhà văn, tôi đã yên tâm hơn. Tuy vậy, báo Người Hà Nội đã nhiều lần bị phê bình gay gắt. Năm 1991, khi báo đăng bài thơ “Xám hối” của Trịnh Thanh Sơn, một đồng chí có trách nhiệm với báo chí ở Trung ương gọi điện thoại cho tôi vào cuối buổi chiều, nói phải thu hồi ngay. Tôi toát cả mồ hôi, giở bài báo ra đọc lại. Trịnh Thanh Sơn viết:

Nếu sống lại tuổi hai mươi

Tôi sẽ đi ngược lại…

Ý này của nhà thơ bị cho là phủ nhận quá khứ. Bài thơ này do bác Tô Hoài duyệt trước khi đưa in. Tôi lo quá, vội đạp xe đến nhà bác ở ngõ Đoàn Nhữ Hài. Thấy mặt tôi tái mét, nhà văn cười:

- Cô cứ yên tâm đi. Bất cứ ai gọi điện, cô đều đề nghị gửi cho công văn, Chúng ta chỉ giải quyết trên giấy tờ chính thức, và tôi là người chịu trách nhiệm chính cơ mà, không phải cô, đừng ngại.

Ra về, tôi thấy nhẹ cả người, không phải vì tôi là người không phải chịu trách nhiệm chính, mà vì cách phản ứng rất bình tĩnh, đầy tự tin của Tổng biên tập đã làm tôi yên tâm. Mấy hôm sau, Ban Tuyên giáo Thành ủy mời nhà văn Tô Hoài và tôi lên để hỏi về bài thơ của Trịnh Thanh Sơn. Bác Tô Hoài bảo tôi:

- Hôm nay cô có cuộc họp bên phụ nữ, cô cứ sang bên đó, để tôi đi lên thành ủy một mình cho.

Hôm ấy, Thành hội Phụ nữ mời tôi họp để chuẩn bị đại hội, vì lúc đó, tôi là ủy viên ban chấp hành Hội. 14 giờ tôi đến, đã thấy chị em đông đủ, song rất muốn được chứng kiến sự đối đáp đầy bản lĩnh và rất khôn ngoan của nhà văn Tổng biên tập của mình, nên tôi do dự một lúc rồi báo cáo xin phép chủ tịch hội phụ nữ cho tôi sang thành ủy. Thấy vấn đề có vẻ nghiêm trọng, chị đồng ý để tôi đi.

Khi tôi đến, các đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố, đồng chí chuyên viên theo dõi báo chí của trung ương và bác Tô Hoài đã ngồi quanh bàn và đang nói. Không khí có vẻ nặng nề. Tôi xin lỗi đến muộn rổi ngồi vào ghế bên cạnh Tổng biên tập của mình. Sau khi nghe các đồng chí cấp trên phát biểu về sơ xuất của báo, đăng một bài thơ không có lợi trong tình hình thời sự năm 1991, nhà văn Tô Hoài nói:

- Đây không phải là sơ xuất mà là chủ trương của tôi. Tôi nghĩ, chính trong tình hình phức tạp hiện nay, chúng ta nên thực sự cởi mở hơn với báo chí. Nếu không bị phê phán, có thể chẳng ai chú ý đến bài thơ. Nó chỉ là tâm sự của người viết.trong thực tế thì đúng là chúng ta có nhiều việc đang phải làm lại, có khi ngược với chủ trương cũ, ví như giao ruộng đất cho nông dân không còn hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân…Vậy thì tác giả viết, nếu sống lại tuổi trẻ sẽ đi ngược lại con đường của anh ta, ví như anh ấy sẽ không làm thơ làm báo nữa, vì nghèo, mà sẽ học buôn bán chẳng hạn, theo tôi là được. Mà cứ cho là tác giả có ẩn ý gì đi nữa, báo của chúng ta dám đăng thì chỉ càng chứng tỏ đường lối báo chí ta thực sự cởi mở. Báo chúng tôi sẵn sàng đăng bài của bất kỳ ai phê phán bài thơ đó, rồi tác giả thanh minh hoặc tranh luận lại. Như vậy công bằng hơn, phải không ạ?

Tôi ngồi nghe, tim đập thình thình. Không hiểu nếu tôi là người chịu trách nhiệm về bài vở của báo, về bài thơ ấy, thì sẽ trả lời ra sao? Tôi làm sao có thể trình bày ý định tốt của mình khi đăng những bài báo mà người đọc có thể cho là có dụng ý xấu?

Cuối cùng bác Tô Hoài cười:

-  Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc đăng bài, cân nhắc kỹ cái lợi cái hại của nó.

Cho đến nay, Nhà báo Tô Hoài đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Tôi giúp việc nhà văn, được tiếp xúc, bảo ban và qua đó, cảm thấy mình học tập được rất nhiều điều.

Là Tổng biên tập báo, nhà văn không chỉ chú ý những vấn đề tư tưởng, quan điểm mà rất quan tâm cả những việc nhỏ như sửa lỗi bản đánh máy và duyệt bài in. Bác bao giờ cũng đòi biên tập viên phải đưa bản thảo gốc của tác giả kèm với bài đã đánh máy, vừa để xem trình độ biên tập của từng người, vừa để đối chiếu từng chữ, nhất là những bài thơ. Bởi vì in thơ chỉ sai một dấu phảy hoặc một chữ viết hoa hay không ở đầu câu cũng là cái sai to, thiệt hại cho các nhà thơ lắm. Bác vẫn nhắc chúng tôi như vậy.

Tuy vậy, điều quan trọng nhất đối với nhà văn vẫn là tác phẩm. Bác thường nói:

-  Việc tôi quan tâm nhất là công việc sáng tác. Tôi không còn vốn thời gian nữa rồi nên ngày nào tôi cũng viết những gì tôi thấy còn viết được.

Và sau khi tưởng đã có thể kết thúc bài viết này, tôi đứng lên bước ra ban công căn phòng nhỏ của mình. Vừa mở cửa sổ, những cụm hoa cẩm cù trắng không biết nở từ bao giờ bỗng ùa vào phòng mùi hương ngát. Hôm tôi mới dọn về đây, nhà văn đến thăm và mang theo một vỏ dừa khô cắm một nhành cẩm cù xanh mướt. Khi đưa tôi treo ra ngoài hành lang, bác nói vui:

-  Cái cây này có sức sống lạ lắm. Nếu cô quên bẵng nó trong hai năm, nó vẫn cứ lặng lẽ nảy mầm và ra hoa, một ngày nào đó bất chợt cô sẽ ngạc nhiên và vui thích./.

THƯ VÀ QUÀ CỦA NHÀ VĂN TÔ HOÀI

Tôi dọn nhà nhiều lần, và đã cho đi rất nhiều sách cùng các vật kỷ niệm linh tinh. Tuy vậy, tôi vẫn còn giữ lại một số sách và kỷ vật. Trong chiếc tủ kính nhỏ vẫn còn nào là tháp Eiffel của Pháp, nào là tháp nghiêng Pisa của Ytalia, rồi quả bàu khô của già làng buôn Đôn trên Tây Nguyên, con ốc rất đẹp do “Chúa đảo” tặng khi tôi đến Côn Đảo năm 1976…

http://tonvinhvanhoadoc.vn/images/stories/2011/vhvn/thanhnhan_tohoai_thu.jpg

Bức thư của nhà văn Tô Hoài gửi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Thế nhưng, vốn tính không coi cái gì vật chất cụ thể là quá quan trọng, khi cô cháu gái đến chơi, khoe là đã dọn về nhà mới, mời bác đến thăm, tôi hỏi “Mày thích quà gì để bác mua cho”, cháu nhìn vào “ tủ kỷ vật” của tôi và cười: “Cháu  thích mấy thứ trong này cơ!”. Tôi OK liền. Nhưng khi cháu cầm lên con gấu Misa bằng sứ nâu xinh xắn thì tôi lắc đầu: “Không được, trừ con gấu ấy ra, mày thích gì cứ lấy”. Cháu lại cầm lên con thiên nga bằng sứ trắng, định cất vào túi, tôi lại giãy nảy: “Bác quên, trừ con thiên nga và con gấu, còn lại mày muốn lấy gì cũng được!”. Nhưng nó đã dỗi, không lấy bất cứ thứ gì khác, chỉ cười:

- Bà già phải giải thích, không thì cháu lấy hết đó. Mấy thứ này sang trọng gì đâu mà cứ giữ khư khư. Thương quá!

Tôi với cháu thường đôi khi chuyện trò tếu táo. Cứ mỗi lần gặp tôi, nó lại cầm di động của bà già, kiểm tra từ tin nhắn đến các cuộc gọi rồi trêu tôi: “Cụ nào có tên là…GIẬT CỤC sao nhắn tin nhiều cho bác thế? - Ồ, lại còn cụ ĐIÊN, cụ THÁNH nữa chứ…”. Hai bác cháu phá ra cười.

Đại loại vậy nên tôi không ngại tâm sự rất thật với cháu:

- Ừ, giá trị vật chất thì có đáng gì đâu, nhưng bác rất quí, vì đó là quà tặng của nhà văn Tô Hoài mà!

Nó trợn mắt:

- Nhà văn Dế mèn ấy ạ? Sao bác lại được cụ tặng quà?

Tôi kể, con gấu nâu là hồi tôi mới về công tác ở Hội Văn Nghệ Hà Nội, hình như hồi ấy nhà văn Tô Hoài là chủ tịch Hội. Tôi được nhà thơ Bằng Việt và bác Tô Hoài sang tận cơ quan tôi ở báo Hà Nội Mới xin về, mà cơ quan thì không muốn cho đi, nhưng tôi thấy ở báo hàng ngày vất vả quá, lại mê văn chương nên cứ nằng nặc đòi sang bên Hội. Thế mà, vì giấy tờ chưa xong sao đó, nên một vài anh em bên Hội bảo là tôi không chính thức có giấy điều động của thành phố, không thể cử ngay làm Phó chủ tịch Hội hoặc Trưởng ban biên tập báo Người Hà Nội được! Họ còn đồn là tôi chỉ được phân ½ căn hộ tập thể ở Thành Công, mà dám thương lượng với hai vị nam giới của báo được phân nửa căn hộ kia, mua lại của họ nên báo Hà Nôi Mới kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, hình như còn sắp bị kỷ luật nữa nên mới được bác Tô Hoài và anh Bằng Việt “cứu” sang bên Hội! Đúng là tôi đã khóc vì ngay sau khi chồng mất, cơ quan phân cho nửa căn hộ tập thể 24m2 để hai mẹ con tôi sống cùng hai chàng khác của báo được phân nửa căn bên cạnh. Dạo đó, việc mua bán bất cứ cái gì cũng bị coi là xấu, mua bán nhà do cơ quan phân phối là tội khá nặng, nhưng vì hai mẹ con không thể ở chung nhà với hai người đàn ông trong một căn hộ nên tôi dứt khoát thương lượng để mua lại. Vậy mà tai tiếng cũng lan sang bên Hội, dù chuyện đó chẳng ảnh hưởng gì đến việc xin chuyển công tác của tôi. Vậy là tôi bị cho “ngồi chơi xơi nước”. Cũng còn khá trẻ nên tôi ngơ ngác và đau lắm, nhưng rồi cũng kệ, không phân công việc gì thì nghỉ 3 tháng sáng tác vậy. Bác Tô Hoài an ủi: “Với người viết thì cứ ngồi vào bàn là được cô ạ. Có khi không phải lo việc cơ quan, cô lại làm được việc gì đó hay hơn. Chuyện giấy tờ để tôi lo, tôi cũng sơ xuất quá, cứ nghĩ cô về làm việc ở Hội là anh em rất mừng.”. Sau đó ít lâu, đã có giấy thuyên chuyển chính thức trên thành phố gửi xuống, bác Tô Hoài đi dự liên hoan thể thao văn hóa gì đó từ Matxcơva về, đến nhà tôi chơi  tặng tôi con gấu biểu tượng của liên hoan quốc tế và cười rất tươi: “Ở bên đó, tôi cầm con gấu mà cứ lo mấy chàng đầu gấu ở nhà nó “riềng” cô lên bờ xuống ruộng. Khổ thân, chỉ tại tôi và Bằng Việt muốn cô sang Hội ngay, nên chưa lo đủ thủ tục đã kéo cô về”. Tôi cầm chú gấu nhỏ, lòng rưng rưng.

Cháu tôi nghe chuyện, cười:

- Ok, tha con gấu cho bác giữ. Thế còn con thiên nga?

Đó là dạo cơ quan Hội đi nghỉ mát ở Thái Bình, lúc về có ghé một cơ sở sản xuất gốm sứ ở Hải Dương thì phải. Ông giám đốc dẫn cả đoàn gồm có bác Tô Hoài, nhà thơ Bằng Việt, một số nhà văn nhà thơ khác cùng chị em văn phòng và tôi đi thăm cơ sở sản xuất rồi thăm phòng trưng bày các sản vật của nhà máy. Lúc tiễn đoàn, ông cầm một con thiên nga bằng sứ trắng rất đẹp trao tặng bác Tô Hoài. Chúng tôi truyền tay nhau, ai cũng khen trông thiên nga rất dịu dàng, kiêu hãnh mà duyên dáng. Mấy em văn phòng tranh nhau xin, nhưng bác Tô Hoài chỉ cười, cất thiên nga vào túi xách. Lúc xuống xe chia tay ở Hội, ai cũng rối rít tìm đồ đạc rồi vội vã ra về, bác Tô Hoài đến bên tôi, dúi cho con thiên nga đã gói kín trong tờ báo, đùa:

- Bọn nó mà biết là đánh nhau đó nghe!

Cháu tôi lại cười:

-Vấn đề là con thiên nga dịu dàng, khiêm tốn mà duyên dáng phải không ạ? Tóm lại là khi nào bác… viết di chúc, bác phải cho cháu những vật nhỏ bé mà rất đáng yêu  này cơ!

Viết đến đây, tôi lại xin mở ngoặc về việc cháu tôi thấy bác mình đã đến tuổi viết di chúc. Chả là đọc trên mạng, có lần tôi phì cười khi có một bạn sau khi đọc một bài thơ của tôi đã bình luận: “Tác giả này hình như còn đang sống ở Hà Nội”. Trời ơi, tôi đã già đến thế rồi sao?

Những món quà của nhà văn Tô Hoài mà tôi còn giữ (dù đã nhiều lần phải cho đi rất nhiều thứ mà tôi yêu quí), ngoài chú gấu và nàng thiên nga còn là những tập bản thảo viết tay của bác, trang nào trang ấy đầy những hàng chữ nhỏ đều tăm tắp, với rất nhiều chỗ có sửa chữa, thêm bớt bằng bút khác màu. Khi đưa tôi, bác chỉ dặn:

- Lúc nào rỗi, cô đọc xem tôi viết vất vả cẩn thận thế nào. Cô thì hình như cứ viết ào ào, chả băn khoăn mấy về chi tiết, về câu chữ…

Đó là những tập bản thảo “Nhà Chử”, “Quê nhà”, “Mười năm”… mà bác viết tay từ lâu lắm rồi. Và tôi đã đọc trân trọng, đọc và ghi lại những trang tả người, tả cảnh “rất Tô Hoài” mà tôi thấy quá hay.

Tôi cũng còn giữ rất nhiều thư bác viết tay cho tôi khi chúng tôi cùng công tác ở Hội Văn nghệ Hà Nội. Đó là những mẩu giấy có khi bác tiện tay xé từ sổ công tác hoặc từ chỉ một mẩu báo còn trắng. Đôi khi tôi giữ lại chỉ vì khi đọc tôi đã thấy vô cùng cảm động, ví dụ bác viết: “Tôi đang ở Cát Bà. Sáng sớm có người ở huyện vào nói đêm qua đài đưa tin nhà văn Nguyễn Tuân đã mất. Thật không tin được, mặc dù trước khi đi, tôi vừa đến bác, thấy bác yếu chưa bao giờ thế: chỉ nằm mà không thể ngồi dậy uống với mình chỉ một chén. Mình gật gù uống một mình. Bác lại nói câu vẫn thường nói mỗi khi mình đi đâu: “Ừ, còn đi được thì cứ đi”… Không ngờ. Sáng nay 3-8-1987 Nguyễn Tuân đã mất! Một tài năng, tài hoa và một con người nghệ sĩ đầy mâu thuẫn trong người. Không bao giờ còn nữa. Mình đang nghĩ phải viết một cái gì tiễn bác Nguyễn… Một mình mua vài chai bia uống đám ma bác Nguyễn…”. Cuối thư, bác Tô Hoài ghi rõ ngày tháng và nơi đang ở, một việc rất ít khi bác làm: Chùa Đông - Cát Bà - Hải phòng, ngày 3.8.1987.

Một thư khác cũng làm tôi bồi hồi thương cảm: “Cái chân mấy hôm nay đau quá, không viết nổi. Ngồi nhăn nhó buồn nhớ cơ quan…”

Còn về công việc thì bác viết: “Việc này ngoài sức của chúng ta, không thể làm được đâu. Cơ quan mình không phải loại có đủ sức mạnh xin cho nhà văn đi nước ngoài, nhất là khi sách của BN đương có tiếng vang tốt và xấu trong cả nước. Đấy,cô cứ thử mà xem”… (Đó là trường hợp nhà văn Bảo Ninh được một nhà xuất bản ở Hà Lan, nơi đã dịch sách của anh mời sang nước họ, và tôi muốn Hội Hà Nội bảo đảm cho anh đi được, vì lúc ấy hình như Bảo Ninh chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).

Còn một kỷ niệm nhỏ nữa với nhà văn Tô Hoài cũng đã làm tôi cảm động  khó quên. Đó là lần tôi đi tàu hỏa vào miền Nam một mình. Khi gia đình và bạn bè đưa tiễn đã dừng lại, tôi xách va li đi qua cửa soát vé vào ga chuẩn bị lên tàu bỗng thấy bác Tô Hoài đứng chờ sẵn ở sân. Bác đưa cho tôi một trái táo Nga đỏ tươi, cười: “Ăn ngay đi nhé, không được gữi mãi, nó khô đi đấy”. Thì ra bác đã mua “vé ke” để vào sân ga từ trước. Mặc dù bác có vẻ hiểu tính tôi, đã dặn, nhưng tôi vẫn cứ hít hà trái táo thơm đến mấy ngày. Không phải vì hồi đó  “táo Tây” là vô cùng hiếm hoi khó kiếm, mà chỉ vì đó là quà tặng của nhà văn lão thành mà tôi yêu quý và trân trọng.

5-2011

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Lưu trữ

Quỹ giải thưởng

Quỹ giải thưởng
Quỹ Nhà văn Tô Hoài - Nơi tôn vinh những tài năng văn học nước nhà.

Về chúng tôi

Nhà văn Tô Hoài đã thôi hiện diện trên cõi trần mãi mãi! Nhưng những cuốn sách của ông sẽ còn sống lâu ở cõi trần. văn chương của ông, những con chữ trên các trang sách của ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài cùng người đọc, với người đọc. Người ta nói, khi con...