Nhà văn Tô Hoài: “Quê ngoại là nguồn cảm hứng bất tận của tôi”

Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, Ban biên tập Tạp chí Nhà văn có giao cho nhóm phóng viên chúng tôi thực hiện một cuộc trò chuyện với nhà văn Tô Hoài, một trong những tác giả được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu mến qua các tác phẩm mà điển hình là cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký”.  

 

Ngay lập tức, chúng tôi liên lạc để có thể nhanh chóng tiến hành cuộc phỏng vấn. Bởi ngay bản thân chúng tôi cũng háo hức muốn gặp một cây đại thụ của nền văn học nước nhà. Chúng tôi gọi điện đến nhà và được con gái nhà văn cho biết hiện giờ ông đang mệt do trời đang vào hè, và chị sẽ liên lạc lại ngay khi có thể. Chưa đến một tuần sau, chúng tôi nhận được điện thoại. Ở đầu dây bên kia, một giọng nói nhã nhặn, xưng là con gái của cụ, và thay mặt cụ mời anh em chúng tôi qua chơi. Trong điện thoại, chị còn chỉ đường rất cẩn thận để chúng tôi khỏi mất nhiều thời gian tìm kiếm.

Nhà văn Tô Hoài đón chúng tôi với nụ cười trìu mến, nụ cười của một bậc trưởng lão khi thế hệ hậu sinh đến chơi. Nhà văn đã yếu đi nhiều, phải có người đỡ mới ngồi được xuống ghế. Và khi đã ngồi xuống, cụ nhìn chúng tôi như chờ đợi.

P.V: Thưa bác, hôm nay chúng con đến chơi với bác, đầu tiên là để hỏi thăm sức khỏe của bác, thứ đến là nhân số đặc biệt kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi, chúng con có ý định thực hiện số chuyên đề về bác. Với những gì bác đã đóng góp cho nền văn học nước nhà, chúng con thiết nghĩ chắc cũng có nhiều điều được học hỏi từ bác.

Nhà văn Tô Hoài:(cười) Vâng, các anh cứ hỏi.

P.V:Chúng con xin được bắt đầu từ “Dế mèn phiêu lưu ký”, cuốn sách đã quá quen thuộc với bao thế hệ độc giả và đến ngày hôm nay, vẫn là cuốn sách được các bậc phụ huynh mua để dành tặng con cái mình. Phải chăng đó là tác phẩm đầu tay của bác?

Nhà văn Tô Hoài:Đúng. Đây là cuốn sách đầu tiên tôi viết, ở lứa tuổi thanh niên. Hồi đó mình trẻ, yêu văn chương lại đầy nhiệt huyết vì ảnh hưởng bởi những cuốn tiểu thuyết như Oliver du ký, rồi những năm đó, ảnh hưởng của Mặt trận Bình dân bên pháp, phong trào Ái hữu rộ lên khắp nơi. Tôi hăng hái tham gia những phong trào đó ngay từ năm 16, 17 tuổi. Trong tôi lúc đó luôn có mơ ước về một thế giới đại đồng như đã viết trong phần cuối của “Dế mèn phiêu lưu ký”. Tôi viết cuốn này năm 17 tuổi, chính xác là vậy.

P.V: Chúng con ai cũng rất thích cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” của bác. Thời thiếu niên, chơi dế chọi cũng là trò yêu thích của lũ trẻ chúng con. Chắc hẳn bác cũng phải có một tuổi thơ êm đềm nơi làng quê thì mới có thể sáng tác hay đến vậy?

Nhà văn Tô Hoài:Hồi nhỏ, tôi sống ở quê ngoại với ông bà và các cô các cậu. Quê ngoại tôi nằm bên dòng sông Tô Lịch. Ngày đó, sông Tô Lịch rộng lắm, nước trong ngần chứ không như bây giờ, còn có bãi cỏ ven sông. Chúng tôi thường đi bắt dế về chọi, rồi nuôi dế… Con dế mèn thấm vào hồn tôi từ tuổi ấu thơ…

P.V: Vâng, chúng con biết chắc chắn là trong tác phẩm này, bác có gửi một phần tuổi thơ mình. Và chú dế mèn ấy cũng đã được đi khắp năm châu bốn bể. Có thể nói nó đã vượt được thời gian, không gian đi khắp nơi.

Nhà văn Tô Hoài:(gật đầu) Đúng thế. Tôi ước tính đã có 37 nhà xuất bản trên thế giới đã in “Dế mèn phiêu lưu ký”. Nhiều nhất là các bản tiếng Nga, rồi cũng đến sáu lần “Dế mèn” được dịch ra tiếng Pháp. Bên Đức, khi dịch tác phẩm này, họ còn cẩn thận đến mức in kèm theo một cuốn sách khoa học về loài dế. Có một kỷ niệm vui mà tôi còn nhớ. Có một cậu học sinh người Nga viết thư hỏi tôi là, ông ơi, ông viết trong sách là con dế có hàm răng trắng tểnh, mà cháu bắt dế về chơi, thấy con nào con nấy răng màu xám, hay là dế bên nước ông khác. Tôi giật mình và tìm hiểu, thì hóa ra dế xứ mình răng cũng xám(cười). Tóm lại, Dế mèn của tôi là tổng hợp của thực tế được trải nghiệm, rồi được nhân cách hóa và cuối cùng là ảnh hưởng của phong trào cách mạng thời đó.

P.V:Bác đã đi nhiều nơi, sống nhiều, từng trải nhiều viết nhiều. nhưng không ai hiểu mình bằng chính mình. Vùng đất nào bác yêu thương nhất, nhiều kỷ niệm nhất?

Nhà văn Tô Hoài: Quê ngoại. Đây là nguồn cảm hứng bất tận của tôi. Ông bà ngoại tôi sinh toàn con gái, có tôi là cháu trai. Ngày nhỏ, tôi sống ở quê ngoại trong tình thương của ông bà, của các cô các cậu. Quê nghèo, nhưng tình cảm thì vô tận. Có thể nói, suốt cả đời sáng tác của tôi, quê ngoại chưa bao giờ thôi xuất hiện trong các trang viết.

P.V:Thưa bác, trong gia tài sáng tác đồ sộ của mình, bác thích tác phẩm nào nhất?

Nhà văn Tô Hoài:Những tác phẩm viết về quê ngoại. Ngay cả bộ sách tôi viết về Hà Nội, thì cũng dựa trên cảm hứng từ làng quê nghèo ven bờ sông Tô.

P.V:Chúng con xin phép chuyển sang chủ đề khác. Ngoài những “Dế mèn phiêu lưu ký”, những truyện ngắn về Hà Nội, thì “Truyện Tây Bắc” của bác cũng được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Xin bác có đôi lời với độc giả.

Nhà văn Tô Hoài:Thực ra đó là vì tôi có nhiều thực tế. Tôi công tác ở Tây Bắc chừng chục năm. Đến mức mọi người còn đồn là tôi có vợ con trên đó (cười). Nhưng thật ra thì có đâu. Chẳng hạn như truyện “Vợ chồng A Phủ” là từ những năm tháng tôi sống ở Hà Giang. Phải sống thực, lăn lộn với đời sống, thì văn mới giàu có về chữ nghĩa được. Thật ra những năm tháng trên núi rừng Tây Bắc, cũng là do tôi có máu phiêu lưu. Y như chú dế mèn. Tôi quan niệm rằng, đã theo nghề văn, phải phiêu lưu, phải dám sống.

P.V: Nhân đây chúng con cũng muốn bác có lời khuyên đến những người viết trẻ, hay thực ra là lời khuyên của người ông, người cha đến lớp hậu sinh thì đúng hơn.

Nhà văn Tô Hoài:Là câu tôi vừa nói. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng viết văn là phải “giàu có chữ nghĩa”. Muốn giàu có chữ nghĩa, người viết văn phải có thực tế cuộc sống, phải có học thuật. Tức là đọc nhiều, đi nhiều. Ngày trước, tôi chủ yếu là tự học để làm giàu ngôn ngữ. Tôi đọc ca dao tục ngữ, đọc Kiều, đọc Chinh phụ ngâm. Rồi tôi tự học tiếng Pháp qua các tác phẩm văn học.

P.V: Vậy bác có thể kể một vài gương mặt văn học Pháp mà bác ưa thích?

Nhà văn Tô Hoài:Tôi thích các tác phẩm của Guy de Maupassant. Ông ấy kể chuyện hóm hỉnh, trong trẻo.

P.V:Chúng con để ý thấy, cho đến tận bây giờ, dường như bác vẫn nhớ rất nhiều chi tiết. Chẳng hạn trong tập sách về Thăng Long, hay trong những hồi ký, những truyện ngắn của bác. Phải chăng bác có thói quen ghi chép hay dựa vào trí nhớ?

Nhà văn Tô Hoài:Đầu tiên tôi dựa vào trí nhớ. Và tôi cũng có thói quen ghi chép, để sử dụng vào các sáng tác của mình.

P.V: Hôm nay đến thăm bác, chúng con rất vui khi thấy bác vẫn khỏe. Tiện đây xin hỏi bác là dạo này bác vẫn sáng tác đều chứ ạ?

Nhà văn Tô Hoài:Tôi vẫn viết, chỉ có điều dạo này tự cảm thấy sức sáng tạo có kém đi. Cũng dễ hiểu thôi. Tôi phải viết, là bởi có nhiều thôi thúc bên trong.

P.V:Thưa bác, được tiếp chuyện với bác chúng con rất vui. Lẽ ra, với bậc lão làng như bác, chúng con phải hầu chuyện một hai ngày thì may ra mới có thể hỏi được nhiều chuyện hơn. Nhưng chúng con xin phép dừng cuộc trò chuyện tại đây, để bác còn nghỉ ngơi. Chúng con xin chúc bác mạnh khỏe, sống lâu, sống vui, và sáng tác thêm được nhiều nhiều hơn nữa.

Nhóm phóng viên (thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Nhà văn

Lưu trữ

Quỹ giải thưởng

Quỹ giải thưởng
Quỹ Nhà văn Tô Hoài - Nơi tôn vinh những tài năng văn học nước nhà.

Về chúng tôi

Nhà văn Tô Hoài đã thôi hiện diện trên cõi trần mãi mãi! Nhưng những cuốn sách của ông sẽ còn sống lâu ở cõi trần. văn chương của ông, những con chữ trên các trang sách của ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài cùng người đọc, với người đọc. Người ta nói, khi con...