Nhà văn Tô Hoài và báo Người Hà Nội

Nhà văn Tô Hoài - tổng biên tập đầu tiên của báo Người Hà Nội - đã bước vào tuổi 90 nhưng vẫn minh mẫn và khỏe mạnh.

 

Từ tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam tôi chuyển về Hội Văn Nghệ Hà Nội với nhiệm vụ “điều hành” Phân hội Nhiếp ảnh và trực tiếp tham gia làm báo Người Hà Nội. Khi ấy tờ tuần báo mới chỉ ra được hai số, có tính chất thử nghiệm. Đến số thứ ba, cuộc họp tòa soạn đầu tuần, dưới sự chủ trì của nhà văn Tồ Hoài - người sáng lập và trực tiếp làm Tổng Biên tập.

 

Sau khi nhận xét tổng quát hai số báo, tiếp đến là trao quyết định phân công chức năng nhiệm vụ của từng phóng viên. Nhà văn Triệu Bôn là Trưởng Ban biên tập, nhà thơ Tô Hà là Trợ lý Tổng Biên tập, nhà thơ Thanh Nhàn trong Ban Biên tập, đặc trách phần văn-thơ của báo. Tôi được “ông già” trao công việc Thư ký Tòa soạn và kiêm nhiệm thêm việc theo dõi “mảng” nghệ thuật. Sau khi công bố quyết định xong, ông nói: Nhiệm vụ của từng người như Triệu Bôn, Tô Hà, Thanh Nhàn là rất quan trọng. Nếu cùng nhau hợp sức chặt chẽ như “ba ông thợ da trở thành “Da Cát Lượng” thì sẽ tạo nên uy tín lớn cho tờ báo.

 

Còn thư ký tòa soạn, tôi coi như một anh bếp trưởng ở cửa hàng đặc sản. Dù có nhiều thực phẩm quý nhưng người đầu bếp kém, không biết chế tác thành phẩm, nấu nướng kém thì cũng chẳng cho ta một bữa cỗ ngon được. Tờ báo có “ngon” và đẹp, tạo được sự hấp dẫn đối với người đọc, nhiệm vụ của Thư ký tòa soạn cũng như anh đầu bếp vậy. Anh Đáng không phải là nhà văn nhưng là người có kiến thức tổng hợp, đã từng phụ trách phòng Mỹ thuật Tổng hợp của Báo văn nghệ nhiều năm, ít nhiều tích lũy được kinh nghiệm; cộng với đức tính cẩn thận trong công việc, tôi tin là Đáng làm được. Tờ báo tuy mới vận hành mang tính thử nghiệm nhưng bước đầu đã hình thành các chuyên mục, anh Đáng cần nghĩ thêm và xác định vị trí các chuyên mục mang tính cố định để bạn đọc tiện theo dõi.

 

Tuy là tờ báo Văn nghệ của Thủ đô nhưng tôi cảm thấy vững tin và tự hào bởi Tổng Biên tập là một nhà văn lớn, nhà văn hóa lớn; lại kinh qua công việc quản lý Văn nghệ quốc gia từ hai cuộc kháng chiến trước. Triệu Bôn (Trưởng Ban Biên tập) là một nhà văn nổi tiếng từ thời chống Mỹ; Thanh Nhàn và Tô Hà là hai nhà thơ có uy tín với bạn đọc cả nước. Cả hai người đều được đào tạo nghiệp vụ Đại học Báo chí từ khóa đầu tiên, đã kinh qua công việc làm báo.

 

Còn tôi, tôi làm nhiệm vụ một ông “Thủ từ” canh giữ “ngôi đền” nghệ thuật nhiếp ảnh Thủ đô. Mọi công việc đều phải “xắn tay áo” trực tiếp với các hoạt động sáng tác, triển lãm, phong trào và hội viên, kể cả công việc “đóng đinh, trèo tường” treo ảnh trong triển lãm, rồi lại được trao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động nghệ thuật của Thủ đô trên các lĩnh vực: Âm nhạc, múa hội họa, sân khấu, kiến trúc, điện ảnh, xiếc… đến các hoạt động triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh… để có đủ bài vở có chất lượng “dát” đủ 2/16 trang báo trong một tuần, đâu phải ít việc.

 

Phải trực tiếp đi nhà in sửa “mo-rát”, viết điểm báo thường kỳ cho buổi phát thanh Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Công việc quả là nhiều nhưng tôi cực kỳ yên tâm, yêu mến và tự hào vì được làm “Et” cho một nhà văn lớn hết mình vì tờ báo và phong trào văn nghệ Hà Nội. Có tuần tôi tự nguyện ngủ tại Tòa sọan từ 2-3 đêm để làm việc mà không đòi hỏi có chế độ bồi dưỡng nào.

 

Với nhà văn Tô Hoài, mặc dù đã có trong tay một đội ngũ trợ thủ khá tin cậy nhưng ông vẫn trực tiếp “kiểm soát” toàn bộ, ký duyệt các bài, kể cả một mẩu tin ngắn. Sau khi làm xong việc đó ông mới uống nước và chuyện trò vui vẻ với chúng tôi về kinh nghiệm làm báo, đọc báo bạn, công việc bếp núc trong tòa soạn, thái độ ứng xử với cộng tác viên.

 

http://nguoihanoi.com.vn/uploads/1290043174.nv%5b1%5d.jpg

 

Ông thường tâm sự: “Làm báo bận như con mọn nhưng kể cũng vui. Có những anh chàng cộng tác viên háo danh nó tưởng nó “lớn” lắm. Chỉ một cái tin hoạt động sáng tác, triển lãm mà cũng đòi ký tên ở trên, còn kèm theo học hàm, học vị Phó Giáo sư, Tiến sĩ cho nó oai và sang trọng! Trong trường hợp ấy không nên chiều họ. Đề nguyên yêu cầu của họ như vậy là tưởng là tôn trọng nhưng kỳ thực là tự hạ thấp mình, hạ thấp vị trí của tờ báo đấy. Ngược lại, có những tác giả họ viết ra hay nhưng lại muốn giấu tên mình. Trường hợp này ta phải thuyết phục được họ để họ đồng ý để tên và ta sẽ để bút danh họ ở vị trí trang trọng. Như vậy chính là làm sang cho tờ báo đấy”.

 

Với bản lĩnh nghề nghiệp và sự chèo lái của ông già, tờ báo nhanh chóng chiếm được cảm tình của bạn đọc cả nước. “Tia ra” của tờ báo tăng lên vùn vụt. Có số báo Tết, báo Văn Nghệ đàn anh chỉ dám in 5,5 vạn số. Người Hà Nội in tới 5,7 vạn số nhưng trước Tết đã không còn báo bán nữa.

 

Bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, báo chí cũng bắt đầu “cựa mình”. Chuyên mục “Phóng sự Thành phố” đã một thời vang bóng”, thu hút được nhiều bạn đọc theo dõi nhưng khi báo văn Nghệ có loạt bài “Câu chuyện ông vua lốp” của Trần Huy Quang và “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc, bạn đọc đổ xô vào tìm đọc báo Văn Nghệ. Nhân một hôm “thủ lĩnh” vừa ký duyệt bài xong, Thanh Nhàn “vào đề” luôn: “Bạn đọc cả nước đang hướng về báo Văn Nghệ với những bút ký phóng sự gây chấn động dư luận, đề nghị anh phải ra tay”, phải “vào cuộc” để bạn đọc trở lại với báo mình!. Tô Hà cười sảng khối vẻ đồng tình với Thanh Nhàn. Tôi thì im lặng chờ đợi.

 

Ông già cười rất hiền và hóm hỉnh. Đôi mắt ông cũng cười theo và bằng một giọng rất điềm tĩnh: “Làm báo hay không khó nhưng giữ được bạn đọc mới là quan trọng và chỉ cần trong tay có một “ê-kíp” làm được việc như các cậu và một đội ngũ cộng tác viên uy tín, tâm huyết và yêu mến báo mình là đủ. Hiện tại, các cây bút cự phách như Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quốc Vượng, Hoàng Ngọc Hiến, Thái Bá Vân… vẫn cộng tác thường xuyên đó sao. Cần phải hết sức bình tĩnh, từ từ và từ từ rồi cũng sẽ đi đến đích! Nổi tiếng ư? Nổi tiếng kiểu ấy sẽ không “thọ” đâu. Hãy đợi đấy!” Quả thực bọn tôi đều ngứa ngáy chân tay, đều muốn “vào cuộc” nhưng ông già bình thản giải thích và không cho phép chúng tôi làm theo kiểu ấy.

 

Quả nhiên, chỉ một thời gian sau, sự kiện diễn ra đúng như nhận định của “bố già”. Nói như vậy không có nghĩa là báo Người Hà Nội “mũ ni che tai”, vẫn có những đợt “sóng”, vẫn có những phát hiện mang tính dự báo như loạt bài “Thỉnh một tiếng chuông”, “Quán cà phê xanh”, “Thảo luận làm đẹp thành phố”, hoan nghênh và cổ vũ nhiếp ảnh Hà Nội tổ chức hội thảo và phát động cuộc thi ảnh “Hà Nội đẹp và chưa đẹp”.

 

Xung quanh việc phá dỡ chợ Đồng Xuân cũ để xây mới kiểu “cải lương” như “Ga Hàng Cỏ”, “Công ty Xi măng phía Nam”, kiến trúc trụ sở UBND thành phố… riêng việc phá dỡ chợ Đồng Xuân, báo Người Hà Nọi đã có một vệt in tới ba bài góp ý kiến trong chuyên mục “Thảo luận làm đẹp Thành phố”. Mới in được một bài, ông Tô Hoài có công vụ đi họp tại Ai Cập, ông viết cho tôi một thư ngắn. “Đáng, mình phải đi họp tại Ai Cập, ít nhất là hai tuần. Bài vở đề cập đến chợ Đồng Xuân mới “đi” được một bài, còn lại hai bài cứ cho in tiếp. Nếu họ không nghe là họ chịu trách nhiệm. Việc ta có ý kiến thẳng thắn như vậy là nhiệm vụ của báo chí, mới đúng lương tâm của người làm báo chân chính. Vậy thôi”.

 

Ở tuổi 70, nhà văn Tô Hoài đâu chỉ làm Tổng Biên tập báo, ông vẫn đương nhiệm là Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học Nghệ thuật Hà Nội. Làm công tác quản lý, ông luôn để mắt đến công việc, hướng đi của các hội chuyên ngành, vẫn có trách nhiệm và mối quan hệ mật thiết với Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn Á Phi, vẫn đi họp tại các nước Châu Á, với khối văn học các nước xã hội chủ nghĩa, vẫn viết văn, viết báo thường xuyên, liên tục và những “đứa con tinh thần” tiếp tục ra đời đều đều và đều đều. Chỉ riêng cái khoản các phóng viên báo chí, phát thanh và truyền hình đến phỏng vấn ông sau mỗi chuyến đi cũng đủ mệt rồi.

 

Vậy mà “bố già” vẫn “xuất xưởng” đến gần hai trăm đầu sách! Thật là một kho tàng văn học đồ sộ hàng đầu của đất nước. Chuyện nhà văn Tô Hoài đi bệnh viện cũng hết sức độc đáo. Trong những lần chúng tôi vào thăm ông trong bệnh viện Việt-Xô. Vừa điều trị nhưng ông vẫn tranh thủ viết. Khi ra viện “cụ” đã hoàn thành một bản thảo mới dày cộp. Nhớ lại có lần nhà thơ Trần Ninh Hồ nói: “Ông Tô Hoài viết văn dễ dàng như người “đan len” ấy. Tôi phục cái kiểu “đan len” của ông. Ông ngồi họp và tiếp tục “đan len” mà ra văn thì lạ quá!....”.

 

Có lần ông nói với chúng tôi: Viết văn, viết báo là phải khổ luyện, là một thứ lao động công nghiệp nặng. Tôi kiên trì rèn luyện và bây giờ, khi ngồi vào bàn, chủ tâm viết phóng sự là ra phóng sự, viết bút ký là ra ngôn ngữ bút ký, viết truyện ngắn hay tiểu thuyết là mạch văn cứ thế trào ra ngọn bút ở thể loại truyện “ngắn” hay “tiểu thuyết”. Ông như một vị hòa thượng tu đắc đạo. Tên tuổi ông với các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi… được các nhà văn tên tuổi trên thế giới biết đến và nể trọng.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, trong một lần tiếp đoàn nhà văn Liên Xô, Người rất tự hào giới thiệu các nhà văn, nhà thơ Việt Nam như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nữ sĩ Hằng Phương... đoàn nhà văn Liên Xô khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh gần như biết tất cả mọi chi tiết công việc của mỗi nhà văn đang làm”. Người lấy dẫn chứng: “… như tôi biết, chính Tô Hoài, người mà các bạn đã gặp, hàng năm đều đi đến các vùng dân tộc ít người ở miền núi, nơi ấy anh đã chiến đấu và tổ chức cán bộ du kích hoạt động…”(1).

 

Báo Người Hà Nội đang ở tuổi 25 với nhiều hứa hẹn và triển vọng qua các đời Tổng biên tập: Tô Hoài, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Anh Biên, Hồ Xuân Sơn, Bế Kiến Quốc, Vũ Xuân Hốt và hiện nay là Bùi Việt Mỹ.

 

Nhà văn Tô Hoài đã bước vào tuổi 90 nhưng vẫn minh mẫn và khỏe mạnh.

 

http://nguoihanoi.com.vn/uploads/ToHoai1.JPG

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam trao lẵng hoa mừng nhà văn Tô Hoài thọ 90 tuổi

 

Ngày 18-05-2010, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội mừng đại thọ nhà văn Tô Hoài bước vào tuổi 90 với sự hiện diện của các nhà văn, nhà văn hóa, nhà báo đến chúc mừng ông như Phan Quang (Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam), nhà văn Vũ Tú Nam (Nguyên Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam), nhà thơ Bằng Việt (Đương kim chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội) các Giáo sư-Tiến sĩ, các nhà văn hóa tiêu biểu cho các thế hệ như Nguyễn Vinh Phúc, Hồng Ngọc Hiến, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Thị Ngọc Trai, Vân Long, Phạm Xuân Nguyên… các nghệ sĩ nhân dân: Phạm Thị Thành (sân khấu), Đào Trọng Khánh, Đan Thiết Thụ (điện ảnh)…

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tặng hoa và đọc lời chào mừng. Cả hội trường vỗ tay chúc tụng khi nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam chúc nhà văn Tô Hoài sống lâu, sống khỏe, tiếp tục sự nghiệp cao quý của mình. Bỗng tôi chợt nhớ đến đầu Xuân 2002 qua bài viết: “Hà Nội vẫn còn ông Tô Hoài” in trên An Ninh Thế Giới cuối tháng của Phương Thảo. Mới chỉ đọc cái “tít” của bài báo đã toát lên niềm tự hào vì Thủ đô Hà Nội còn ông Tô Hoài nhưng xen lẫn sự mất mát không thể bù đắp nổi đó là sự “ra đi’ của các nhà văn nghệ sĩ như  lá rụng mùa thu!

 

Nhà văn Tô Hoài với thế hệ chúng tôi, ông là người thầy lớn, một tấm gương sáng trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Với đất nước, ông còn là một nhà văn hóa lớn, cây đại thụ trong văn học Việt Nam, rất xứng đáng được đón nhận danh hiệu anh hùng đại diện cho giới văn học nghệ thuật đương đại Việt Nam.

 

Hoàng Kim Đáng

Lưu trữ

Quỹ giải thưởng

Quỹ giải thưởng
Quỹ Nhà văn Tô Hoài - Nơi tôn vinh những tài năng văn học nước nhà.

Về chúng tôi

Nhà văn Tô Hoài đã thôi hiện diện trên cõi trần mãi mãi! Nhưng những cuốn sách của ông sẽ còn sống lâu ở cõi trần. văn chương của ông, những con chữ trên các trang sách của ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài cùng người đọc, với người đọc. Người ta nói, khi con...