Những mối tình vào văn chương Tô Hoài

  Bước vào năm 2010, nhà văn Tô Hoài tròn tuổi 90 (ông sinh năm 1920). Tô Hoài là cây đại thụ của văn học đương thời, là gương mặt lớn của Hà Nội, khi Thủ đô mừng Đại lễ Thăng Long – Hà Nội 1000 năm. Trong sự nghiệp viết văn hơn bảy mươi năm của mình, có những mối tình và những người đàn bà đã đi vào văn chương Tô Hoài.

 

Sống vắt mình từ đầu thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, và viết, viết liên tục từ khoảng năm 1937, 1938 đến nay; nhà văn Tô Hoài là chứng nhân của thời đại; chứng kiến biết bao thăng trầm của đất nước, trong lát cắt lịch sử không dài nhưng đầy bi thương và hào hùng của dân tộc. Những ngày đầu xuân này, được tiếp chuyện lão nhà văn, được ông hé cho biết chuyện tình của mình, quả là điều hiếm có.

Mối tình đầu

Thường nghe chỗ này chỗ kia đồn nhà văn Tô Hoài nhiều mối tình lắm, phụ nữ theo ông nhiều lắm; lại thấy, trong một cuốn hồi ký gần đây của một giáo sư văn học có nói ông yêu con của một nhà văn hiện thực lớn... Ấy cũng là chuyện thường tình của một người nổi tiếng lúc mới chưa đầy tuổi hai mươi, lại có vóc dáng trắng trẻo, thư sinh. Từng là quân của ông nhiều năm lúc ông làm Tổng Biên tập (Thư ký Tòa soạn báo Người Hà Nội từ những năm chín mươi); đó cũng là thuận lợi để tôi có thể hỏi ông nhiều điều mà người khác ông chưa chắc đã bộc bạch.

“Cái chuyện tớ với cô Lê Minh như trong cuốn hồi ký viết, chuyện thực là không có. Còn ngày xưa và gần đây thì...”.

Sinh ở làng Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội, nay là phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thuở nhỏ cậu bé Nguyễn Sen (tên thật của Tô Hoài) cùng đám chúng bạn lăn lóc suốt dải ven sông Tô Lịch với nhiều trò, đặc biệt là trò chơi đổ dế, bắt dế, chọi dế, vì thế khi viết truyện Dế mèn rồi Dế mèn phiêu lưu kýlàm nên tên tuổi Tô Hoài, đối với ông như kể lại câu chuyện về cuộc sống, mơ ước của chàng thanh niên mới lớn - Tô Hoài. Có một cô gái cùng làng Nghĩa Đô, dáng nhỏ nhắn, xinh xắn, tuổi sàn sàn cảm mến anh chàng Nguyễn Sen và anh ta cũng vậy. Thích nhau, yêu nhau lẽ thường của tình yêu, hai người lúc ấy độ tuổi mười lăm mười sáu. Thế rồi bố cô ấy biết chuyện, đánh cô ấy dữ lắm, bắt cô ấy phải dời chốn làng quê ven đô ra sống ở Hà Nội.

Cách đây gần tám mươi năm khoảng cách giữa nội và ngoại thành xa xôi lắm. Buồn, thất vọng, chàng trai mới lớn Nguyễn Sen lao vào viết chuyện, viết những cái quanh mình, mình biết... Khi đã đi làm ở phố và nổi tiếng với Dế mèn phiêu lưu ký, bạn và bạn vong niên với nhiều tên tuổi lớn của văn đàn ngày ấy. Tô Hoài biết cô gái mình yêu đã buộc phải lấy một người ở Hà Nội. Đáng buồn thay, được vài năm thì cô ấy mất, mất trẻ lắm, mới tuổi hai mươi. Tô Hoài biết tin đã cùng Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính xuống tận Thanh Xuân (giờ là quận Thanh Xuân) viếng cô gái mệnh yểu. Ai chẳng có mối tình đầu và mối tình đầu thường để lại dấu ấn khó phai trong cuộc đời mỗi người. Tô Hoài đã đưa chuyện mối tình đầu của mình vào văn chương, thành chuyện Giăng thề.

Mối tình sâu nặng qua hai thế kỷ

Mối tình sâu đậm nhất, kéo dài tới hơn bảy mươi năm, cũng vắt qua hai thế kỷ, mang đậm nét riêng Tô Hoài nhưng cũng đậm dấu ấn thời đại, dân tộc. Có lẽ đây là lần đầu tiên nhà văn nói tới bí mật của riêng mình.

Khi chuyện về con Dế mèn được đưa đến nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Địch Long và in ra, có rất nhiều người thích. Nhà văn Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Công Hoan lúc ấy đang làm việc ở Tân Dân, gợi ý với Tô Hoài mở rộng và nâng cao tầm của chuyện. Xã hội nước ta cuối những năm ba mươi thế kỷ trước đang rất sôi động, bên Pháp là sự thắng lợi của phái dân chủ, nước ta Mặt trận dân chủ Đông Dương hoạt động mạnh mẽ, rồi phong trào văn hóa cứu quốc, khí thế dân tộc... Chàng thanh niên Nguyễn Sen hấp thu và ảnh hưởng không khí thời đại, đã đưa một phần cái không khí xã hội và ý hướng cá nhân vào truyện thànhDế mèn phiêu lưu ký.

Nhuận bút của Dế mèn phiêu lưu ký được hai mươi đồng - khoản tiền lớn lúc đó - một tạ gạo chỉ có 3 đồng. Tô Hoài đề nghị nhà Tân Dân cấp cho ông cái giấy với tư cách phóng viên bản báo đi các nơi viết bài gửi về. Vậy là chí trai được thỏa, Tô Hoài ung dung đi du ký khắp Bắc, Trung, Nam, rồi sang Lào, Cao Miên... Thời gian trong Sài Gòn, Tô Hoài xuống một đồn điền cao su ở Dầu Tiếng tìm hiểu cuộc sống, con người vùng này. Tô Hoài đến một tiệm tạp hóa nơi thị trấn mua tem thư, sách báo, tiệm tạp hóa có cô gái con chủ nhà là học sinh trường nữ sinh áo tím, nghỉ hè về phụ giúp gia đình may vá quần áo. Chàng thanh niên, nhà văn trẻ thấy cứ mỗi lần mình đến cô gái lại diện chiếc quần lụa trắng. “Thế là tôi biết cô ấy làm duyên mỗi khi mình xuất hiện. Tôi tinh ra phết...”. Ông lão tuổi 90 cười khà khà, mắt háy háy, hóm hỉmh nhớ nhịp đập trái tim thời trai trẻ.

Dần dà hai người yêu nhau, yêu say đắm, mãnh liệt, gia đình cô Phụng (tên cô gái) đồng ý chuyện hai người yêu nhau. Nếu như câu chuyện đến đây kết thúc thì sẽ như bao chuyện tình lãng mạn khác, nhưng chuyện tình này chỉ lướt qua cuộc đời của chàng trai nhà văn trẻ trong những chuyến xê dịch. Tình yêu của họ gắn với thời thế và cũng bởi thời thế mà trở nên đau đáu suốt chặng đường đời mỗi người, lão nhà văn lừng danh kể lại trong sự bồi hồi. Họ yêu nhau thắm thiết và đã tính đến chuyện hôn nhân cũng đủ hiểu mối tình của họ sâu nặng thế nào. Khi ấy Tô hoài đang hoạt động thanh niên cứu quốc, ông ra Bắc rồi tính quay trở lại Nam để cưới vợ. Nhưng xung đột Pháp - Nhật nổ ra, xe lửa Bắc Nam gián đoạn, Tô Hoài bị cuốn vào hoạt động Văn hóa cứu quốc nay đây mai đó, không Nam được cũng không liên lạc được với cô Phụng. Cô Phụng đã đi khắp nơi tìm Tô Hoài, đến gặp cả Xuân Diệu nhờ tìm nhưng vẫn không thấy… Hai người bặt tin nhau. Mối tình của họ mãi mãi là cuộc chia ly, nhưng... có hậu. Cô Phụng không tìm được Tô Hoài nên trở lại Sài Gòn rồi sau đó lấy một người Pháp và sang Pháp - sau ngày đất nước thống nhất Tô Hoài mới biết như thế.

Trong những năm chiến tranh, đất nước chia cắt, chàng thanh niên Nguyễn Sen này nào đã là nhà văn lớn, ông đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Hội Nhà văn. Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, nhà văn Nguyễn Văn Bổng – bạn thân của Tô Hoài được lệnh đi chiến trường (đi B), Tô Hoài đã nhờ bạn nếu vào Sài Gòn thì tìm hộ cô Phụng. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng vào chiến trường, ở chiến khu rồi được điều động hoạt động nội thành trong Sài Gòn. Nguyễn Văn Bổng đi tìm nhưng không gặp được bà Phụng, bà đã sang Pháp. Bản thân nhà văn, khi phụ trách công tác đối ngoại của Hội Nhà văn và làm Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á – Phi - Mỹ La Tinh, trong những lần đi nước ngoài đều có ý kiếm tìm bà Phụng, nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Thế rồi, khi Tô Hoài đang lãnh đạo Hội Văn nghệ Hà Nội thì nhận được lá thư, bên ngoài chỉ đề người nhận: Tô Hoài. Thư không có địa chỉ người nhận nhưng ông vẫn nhận được. Ông vô cùng cảm động bởi lá thư đó của bà Phụng gửi về. “Tôi viết một cái thư cho cô ấy, cô ấy từ Pháp bay về Việt Nam và tìm đến Hội Văn nghệ Hà Nội. Không may hôm ấy tôi đi vắng. Nhân có trưng bày tranh của nữ họa sĩ Kim Bạch tại trụ sở Hội - 19 Hàng Buồm, cô ấy xem rồi mua một bức mang vào Sài Gòn”. Tô Hoài vào Sài Gòn thăm bà Phụng đang ở nhà ông anh, hôm đi có cả nhà văn Đoàn Minh Tuấn. “Gặp nhau, cô ấy bảo: anh ốm quá. Từ ấy, hàng năm tôi đi Sài Gòn gặp cô ấy”. Ông còn tổ chức cho bà Phụng gặp các con ông. Mối tình này được Tô Hoài viết thành truyện Hoa Bìm biển. Có thể nhiều người đã đọc và cho rằng ông hư cấu. Nhưng với tôi, ngay từ khi còn được làm việc cùng ông, mỗi lần mang ma-ket báo đến để ông duyệt, tôi thường thấy bên cửa sổ phòng làm việc ở phố Đoàn Nhữ Hài có cây dây leo rất lạ. Hỏi ra mới biết đó là cây Bìm biển… Và hôm nay thì tôi biết đó là thực tế của cuộc đời ông. Ông vẫn rất yêu bà Phụng đến độ như người ta thường nói: nhìn vật thấy người... “Nhiều năm nay, bà ấy đi đâu, ở Pháp hay Mỹ đều thư cho tôi. Hai năm nay không thấy, chắc mất rồi. Bà ấy cũng đã ngoài tám mươi”. Nhà văn giọng trầm ngâm, đôi mắt xa vời vợi nhìn ra cửa sổ.

Nếu như các nhà làm phim khai thác và chuyển tải mối tình này thành phim! Tôi tin rằng chúng ta sẽ có một bộ phim hay và giá trị. Bối cảnh của câu chuyện xuyên suốt qua hai thế kỷ, với đầy đủ những sự kiện, biến cố trong sự dồn nén của lát cắt lịch sử, minh chứng hùng hồn khí phách dân tộc Việt Nam chiến thắng nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất. Cũng đồng thời là sự chia cắt, chia ly của bao số phận, con người trong hoàn cảnh đất nước đầy bi tráng, đặc biệt là thông qua đường dây xuyên suốt của một con người điển hình, nhân vật điển hình...

Cao Minh

Lưu trữ

Quỹ giải thưởng

Quỹ giải thưởng
Quỹ Nhà văn Tô Hoài - Nơi tôn vinh những tài năng văn học nước nhà.

Về chúng tôi

Nhà văn Tô Hoài đã thôi hiện diện trên cõi trần mãi mãi! Nhưng những cuốn sách của ông sẽ còn sống lâu ở cõi trần. văn chương của ông, những con chữ trên các trang sách của ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài cùng người đọc, với người đọc. Người ta nói, khi con...