Tết trong ký ức của nhà văn Tô Hoài

Cứ mỗi khi Xuân ngập ngừng gõ cửa với màu đào đang thắm, mưa phùn lây phây, nhà văn Tô Hoài lại vương vấn trong nỗi nhớ da diết về Tết xưa. Ấy là ngày Tết khi nhà văn còn là một cậu bé, thích chạy dọc sông Tô Lịch đúc dế, chọi dế để sau này ông bước vào nghề văn và bắt đầu nổi tiếng từ tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”.

 

Lắng đọng những niềm vui thơ trẻ

“Ngày bé, tôi mong đến Tết lắm! Ngày Tết, nhà nhà đều gói bánh chưng, bánh gai, có nồi cá kho, cuốn thịt bò, giã giò… Không khí Tết kéo dài tới nửa tháng với các lễ hội ở đình chùa. Đám trẻ con chúng tôi thì được nghỉ học - ai mà chả thích…” – Nhà văn Tô Hoài mủm mỉm cười và bắt đầu câu chuyện – “Thể nào tôi cũng có bánh pháo tép dài bằng gang tay. Thể nào u tôi cũng sắm cho tôi đôi guốc mộc mới. Và cái đầu tôi được cạo trọc lốc, trắng hếu - đầu mới để ăn Tết”.

Nhưng, nhà văn bỗng ngừng lời sau một chuỗi dài “hí hửng” thơ trẻ ấy. Hướng ánh mắt ra khuôn cửa, ông nhỏ nhẹ: “Nhớ nhất vẫn là phong tục mở hàng (mừng tuổi) sáng Mùng 1 Tết…”

Chưa khi nào cậu bé Nguyễn Sen (tên thật của nhà văn Tô Hoài) thức dậy muộn vào sáng Mùng 1 Tết. Cho dù, đêm Tất niên cậu cũng cố thức đến sang Canh để đốt bánh pháo tép chào Xuân, hay lớn hơn một chút thì theo chúng bạn lên chùa Hà hái lộc…

Mắt nhắm mắt mở, chưa kịp nhìn trời đã hửng sáng hay chưa, cậu đã lần tay xuống gối và hồi hộp xem năm nay mẹ mừng tuổi mấy hào… Thế rồi vùng chăn dậy, nhấm nháp chút hương vị ngày Tết, có khi là góc bánh chưng, có khi là bát canh miến nấu nước luộc gà đêm giao thừa để cậu Sen “ba chân, bốn cẳng” chạy sang với bà ngoại chờ được… mở hàng, chạy ra ngõ gặp người lớn thì cất tiếng chào thật to cũng để… được mở hàng.

 “Hễ gặp người lớn là đứa trẻ nào cũng được mở hàng. Khi ấy, tiền mở hàng chỉ có đôi chinh nhưng là niềm hạnh phúc của con trẻ. Cũng chẳng có đứa nào so bì được nhiều hay ít. Người lớn thì cũng chẳng bao giờ phân biệt đứa này hay đứa kia là con nhà ai để mà mở hàng bằng chinh, hay xu. Phong tục mở hàng khi xưa hồn nhiên như thế đấy chứ không nhuốm màu tính toán, cầu cạnh lợi - danh như ngày hôm nay. Con trẻ theo đó mà lớn lên vẹn nguyên sự trong sáng, thơ ngây …” – Nhà văn Tô Hoài nói thủng thỉnh đấy mà sao cuối giọng vẫn chất đầy nỗi chua chát.

Không dứt được ký ức…

Ai cũng bảo, hễ gặp nhà văn Tô Hoài, trò chuyện với ông thì luôn được nhận những niềm vui, niềm lạc quan vô bờ bến. Cũng bởi lẽ, chưa khi nào mọi người thấy nụ cười tươi tắn không bao giờ dứt trên đôi môi của nhà văn - dù ông vui hay ông buồn, dù ông đã bước sang tuổi cổ lai hy (năm nay nhà văn 95 tuổi)… Và nhất là khi được gặp nhà văn những ngày Xuân, nụ cười đầy quyến rũ ấy của ông khiến ta thấy cuộc sống cứ vui phơi phới…

Vậy mà, trong hơi rét ngọt của mùa xuân năm nay, vẫn cười đấy, vẫn ung dung đấy nhưng câu chuyện của nhà văn cứ “nghiêng nghiêng” về những cuộc đời, những cái Tết nghèo năm xưa.

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/Pictures12014/nguyenhongquyen-tbtc/Trang58.jpg

Nhà văn Tô Hoài (bên phải) trò chuyện với bạn văn

Cái Tết nghèo đầu tiên ông nhắc đến chính là cái Tết ở nhà ngoại – làng Nghĩa Đô, Hà Nội - nơi ông sống từ ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Đấy là nỗi ám ảnh của ông về những ngày áp Tết khi Hà Nội cũng như cả nước vẫn phải sống trong cảnh “một cổ, hai tròng”, trong khi trẻ con thì hí hửng còn người lớn thì lo… trốn nợ.

“Tôi không quên được hình ảnh bà ngoại cứ ngồi lặng im có khi từ sớm đến tối với ông Phán trên Hàng Mã xuống đòi nợ. Bà ngồi chịu chuyện, nhát gừng hoặc phân trần cảnh nhà đã hết cửi, tiền cọc thợ cửi, thợ hồ chẳng có, không biết xoay xỏa vào đâu để trả nợ cho ông đây! Lúc ấy tôi đã tránh đi, lang thang lên chợ Bưởi, đi hết hàng tranh, hàng bưởi bòng… đến trưa mới mò về. Vậy mà vẫn thấy ông Phán ngồi ở ghế tràng kỷ” -  Nhà văn Tô Hoài kể với giọng trầm, buồn.

Giọng nhà văn nặng trĩu hơn bội phần khi nhắc lại câu chuyện đêm giao thừa của một người phu xe. Trước khi kể chuyện, ông nói rất nhiều về những người làm cu-li thời ấy khi mang cái nỗi ngượng ngập đến khốn cùng vì không muốn thiên hạ biết mình làm cái nghề “ngựa người”.

Nhưng, nỗi khốn cùng của những người làm cu-li chưa dừng ở đó. Chỉ vì cố thêm 2 hào mà người phu xe chẳng biết cuộc đời mình đã bị tên mặt xanh mũi lõ cướp đi ngay trước khoảnh khắc Giao thừa.  Và, ông chua xót: “Câu chuyện này tôi đã viết trong “Chuyện cũ Hà Nội”. Viết xong nhưng chẳng thể quên được…”.

Mùa hè năm 2012, nhà văn Tô Hoài có một đợt nhập viện dài gần 20 ngày. Vì thế, sức khỏe của ông bị giảm sút rất nhiều. Dẫu vậy, cái sự nhớ của ông về muôn chuyện đời, nhất là chuyện đời trong ngày Tết thì vẫn vẹn nguyên!.

Miên Thảo - Hồng Sâm

Lưu trữ

Quỹ giải thưởng

Quỹ giải thưởng
Quỹ Nhà văn Tô Hoài - Nơi tôn vinh những tài năng văn học nước nhà.

Về chúng tôi

Nhà văn Tô Hoài đã thôi hiện diện trên cõi trần mãi mãi! Nhưng những cuốn sách của ông sẽ còn sống lâu ở cõi trần. văn chương của ông, những con chữ trên các trang sách của ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài cùng người đọc, với người đọc. Người ta nói, khi con...