Tô Hoài: Nhà văn, nhà giáo dục thiếu nhi

Vân Thanh - người biên soạn hơn 200 tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam (Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa năm 2006 - 901 trang): “Nắm được yêu cầu giáo dục và chọn được hình thức miêu tả thích hợp với đặc điểm tâm sinh lý của mỗi lứa tuổi, đó là ưu điểm lớn của Tô Hoài”.

 

Chuyện từ mùa thu

Tôi trở lại con phố cụt Đoàn Nhữ Hài yên tĩnh - một nhánh của phố Trần Quốc Toản - sau cơn mưa rất lớn ở Hà Nội, đường đi lối lại như được rửa sạch băng...

Câu chuyện trao đổi giữa tôi và Tô Hoài 60 năm trước, bước chân vào Đảng, Tô Hoài suy nghĩ gì? Vẫn phong thái của một người bình dị, chân thành, Tô Hoài đủng đỉnh vào chuyện giản dị, mộc mạc như con người vốn có:

- Lúc đó tôi đang làm báo Cứu Quốc cùng với Nguyên Hồng, Như Phong, do anh Xuân Thuỷ phụ trách. Ngay từ ngày còn hoạt động bí mật, tôi đã ao ước được vào Đảng. Đó là mơ ước của cả lứa tuổi thanh niên bấy giờ một khi đã được giác ngộ lý tưởng và lẽ sống cao đẹp. Cho nên, giờ phút được đứng vào hàng ngũ Đảng, tôi cảm động vô cùng. Đêm hôm đó, ở ngay trụ sở báo Hà Nội mới bây giờ, trước sự chứng kiến của đồng chí Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, anh Xuân Thủy, anh Văn Tân là người giới thiệu tôi vào Đảng, tôi đã giơ tay chào cờ Đảng với lời thề... cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên... ở báo Cứu Quốc, tôi chuyên làm phóng viên: đi Chiến dịch Biên giới năm 1950, đi Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Những năm ở báo Cứu Quốc do yêu cầu nhiệm vụ, tôi được phân công làm chủ nhiệm báo Cứu Quốc Việt Bắc. Anh Nam Cao nhận trách nhiệm thư ký toà soạn. Lúc ấy, Tây còn ở Bắc Cạn nên tôi và anh Nam Cao bám trụ trong dân làm tờ báo chỉ có 2 trang thì một nửa dành cho các bài tiếng Tày và báo phát hành trong ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Vì vậy, hồi ấy, tôi có tên Nông Văn Tư, còn anh Nam Cao có tên Ma Văn Hữu... Sau này, báo Cứu Quốc Việt Bắc lại sáp nhập với báo Cứu Quốc Trung ương, tôi mới sang công tác ở Hội Văn nghệ...

Không phải tình bạn giữa Nam Cao và Tô Hoài khởi đầu từ đấy. Tình bạn ấy bắt nguồn từ những ngày hoạt động bí mật. Họ thường gặp nhau ở Nghĩa Đô, chia sẻ buồn vui, đói no, bệnh tật và cả chạy giặc lùng. Tuy Nam Cao đã mất, nhưng sợi dây tình bạn của Tô Hoài càng bền chặt và thuỷ chung cho đến hôm nay... Đến với Tô Hoài - cây đại thụ của làng văn Việt Nam - tôi còn được lắng nghe tâm sự nghề nghiệp thật bổ ích. Tô Hoài cho là làm báo và viết văn không có gì là mâu thuẫn cả. Làm báo cần thiết đối với người viết văn. Có điều, viết văn khác với viết một bài báo. Chẳng hạn, khi đi Lạng Sơn 4, 5 tháng viết tiểu thuyết “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”, Tô Hoài đã nghiên cứu cả Lạng Sơn hiện đại. Vì vậy, ngoài viết tiểu thuyết, Tô Hoài còn viết được 8 - 9 bài cho báo Nhân Dân... Nhận xét “ Tô Hoài, sáu mươi năm viết...” Phong Lê viết: “Ngòi bút Tô Hoài thật đã xiết bao linh hoạt. Quan sát kỹ lưỡng và tinh tế. Ngôn ngữ tự nhiên và giàu có. Thiên nhiên thoáng đãng mà thơ mộng... Nhân vật có dáng vẻ riêng và đều sắc nét” Còn Accadi Xtorugaxki, báo Văn học Liên Xô 1981, viết: “Tất cả những gì Tô Hoài mô tả đều rất là vật chất, có thể nhìn thấy, có thể sờ mó được...” ( Võ Như dịch). Vì sao Tô Hoài được cả bạn văn trong nước và nước ngoài nhận xét thống nhất như vậy? Theo tôi, qua “Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả”, Tô Hoài đã nói rõ và còn đưa ra những dẫn chứng cụ thể...

... Đến những tác phẩm viết cho thiếu nhi...

Hôm ấy, tôi sang nhà cô Chi ở cạnh nhà mẹ tôi chơi. Thấy tôi cầm quyển “Dế Mèn, chim Gáy, Bồ Nông” - truyện loài vật - của Tô Hoài - in lần thứ 21 - tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi - thuộc tủ sách vàng do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành cuối 2005, bé Thư - con cô Chi khoe ngay:

- Cháu có “ Dế Mèn phiêu lưu kí”, bố mua cho đấy!

Cháu Thư nhanh nhảu mở tủ lấy ra cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” đưa cho tôi xem. Cuốn sách giống hệt cuốn sách của cháu Vũ Thùy Linh ở 13B/309 Đà Nẵng, Hải Phòng trong gia đình tôi. Sách do Hội Nhà văn ấn hành năm 2005, minh họa của Ngô Mạnh Lân, tái bản có sửa chữa. Cháu Thư mở sách chỉ vào lời đầu truyện và thủ thỉ với tôi:

- Đọc truyện này cháu thích Dế Mèn lắm bà ạ! Nhà văn Tô Hoài “có vẻ” yêu trẻ em, nên ông viết thế này: “ Ngày trước, Dế Mèn có kể chuyện đời mình cho tôi chép lại”, “Do vậy, mỗi lần đem in Dế Mèn phiêu lưu ký, tôi lại tìm thêm được cái thiếu sót  của người chép chuyện và thường lần nào cũng có đôi chỗ tôi sửa chữa hoặc thêm bớt...”

Chuyện bé Thư nhắc tôi nhớ lại bìa sách Dế Mèn phiêu lưu ký cũng do Nhà Xuất bản Kim Đồng in 1997, Tô Hoài viết: “ Biết ước mơ và hành động, Dế Mèn của tôi chắc chắn là bạn chung thuỷ với thế hệ tuổi thơ của bạn”.

Tô Hoài là người cẩn trọng trong nghề nghiệp vì đã khẳng định: “Chức năng giáo dục ở mỗi sáng tác cho các em là quan trọng bậc nhất, không thể bàn cãi”

Đọc bài mở truyện “ Dế Mèn, chim Gáy, Bồ Nông” và bài đóng truyện: “ Lại trò chuyện với Dế Mèn” và 44 câu chuyện dày 671 trang, tôi cảm thấy bút lực của Tô Hoài đầy sức sống... Tôi có ý định chụp ảnh bãi Cơm Thi bờ sông Tô Lịch đầu làng Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy - Hà Nội) bây giờ. Bởi theo Tô Hoài đấy là “Vùng đi thực tế bao la của tôi”, “Bao trùm một thế giới kỳ ảo, lạ lùng”, vì chính “Trên bãi Cơm Thi đầu làng có cả một xã hội mà trong đó, trẻ con với mọi loài cây cỏ, chim muông và những con vật nho nhỏ đã thật quen biết nhau”. Vì đó là khởi nguồn cảm hứng cho Tô Hoài viết “ Con Dế Mèn” rồi “ Dế Mèn phiêu lưu ký” khi bước vào tuổi thanh niên. Và tác phẩm đầu tay này đã được Nhà xuất bản Tân Dân in năm 1942. Dế Mèn phiêu lưu ký chẳng những là tư tưởng của Tô Hoài mà cũng là tư tưởng của phần đông lớp tiểu tư sản trí thức buổi đầu giác ngộ hay mơ ước vẻ đẹp của lí tưởng. Khi nghe tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh bãi Cơm Thi, thì Tô Hoài cho biết: Từ 1954 đã không còn dấu vết nữa rồi. Quả thực từ dốc Chợ Bưởi đi lên một ngả đường Hoàng Hoa Thám, một ngả đường Cầu Giấy, chỉ còn thấy thấp thoáng con sông Tô Lịch nước đen ngòm, dòng chảy như đứng lại...

Đọc truyện loài vật của Tô Hoài thấy gì?

Đó là một thế giới loài vật rất đa dạng, phong phú, gần gũi với con người hàng ngày hay ngay từ các câu chuyện truyền tụng trong dân gian như: Dế mèn, bọ ngựa, con chó, con mèo, con chuột, con lợn, con gà, con ngỗng, con dê, con sáo sậu, con chim chèo bẻo, con chim gáy, con bồ nông, v.v... Con vật nào cũng được mô tả ra con ấy, không trộn lẫn với nhau được... Đặc biệt những loài vật này được nhân cách hoá, phần lớn bằng cái “Tôi” tự sự trong chuyển động của không gian, thời gian với tác động của cả thiên nhiên và xã hội, hiện lên những bức tranh bảo vệ gia đình, hạnh phúc, bảo vệ quyền sống thiêng liêng, chống lại điều ác, coi trọng lý tưởng và lẽ sống, chống lại các thói hư tật xấu, xây dựng tình bằng hữu, tình hữu nghị giữa các dân tộc trong nước cũng như các nước trên thế giới... ở đây, cũng thể hiện bản lĩnh, bản sắc phong tục tập quán của từng tộc người trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những câu chuyện sâu lắng cảm động như Dế Mèn phiêu lưu kýVõ sĩ Bọ Ngựa, Đám cưới chuột, Đôi ri đá, Chuột thành phố, Con mèo lười ( hịch) Chim chích lạc rừng, Chèo bẻo đánh quạ, cho đến các chùm truyện ngắn cũng đầy ý nghĩa. Song nói đến các tác phẩm mà Tô Hoài viết cho thiếu nhi mà quên không nói đến truyện Kim Đồng hay truyện Vừ A Dính hay 3 tiểu thuyết theo cổ tích truyền thuyết: Đảo hoang (Mai An Tiêm và quả dưa đỏ); Chuyện nỏ thần ( Mị Châu Trọng Thủy); Nhà Chử (Chử Đồng Tử) thì thật là thiếu sót. Nhấn mạnh kinh nghiệm khi viết các tác phẩm này, Tô Hoài cho rằng: Tư tưởng và vốn sống sâu sắc quyết định cái hay của chữ nghĩa, của truyện, của nhân vật, của chủ đề cùng những “bí quyết” sáng tạo.

Chẳng vậy nên Vân Thanh - người biên soạn hơn 200 tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam (Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa năm 2006 - 901 trang) đã nhận xét: “Nắm được yêu cầu giáo dục và chọn được hình thức miêu tả thích hợp với đặc điểm tâm sinh lý của mỗi lứa tuổi, đó là ưu điểm lớn của Tô Hoài”.

Giáo sư Hà Minh Đức lại viết: "Trong những sáng tác cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài, những tác phẩm viết về loài vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thế giới loài vật được ông miêu tả từ chú Dế Mèn, con Ri đá, chú Bọ ngựa... đều sinh động lạ lùng. Ngòi bút tài tình của ông lột tả những nét đặc sắc của đối tượng qua những chi tiết chân thực, nét vẽ cụ thể, điệu bộ tự nhiên và cả thế giới nội tâm của chúng thật ngộ nghĩnh, gần gũi với con người biết bao. Viết về loài vật, Tô Hoài muốn nói đến cuộc sống con người”.

Còn giáo sư Phong Lê đưa ra nhận xét: “Dế mèn cùng cả một chùm truyện về loài vật trong O Chuột đã đưa Tô Hoài vào một mảng sáng tạo độc đáo, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy ai thay thế được mảng truyện gắn nối gây được sự yêu thích cho cả hai đối tượng đọc: trẻ em và người lớn, cả hai, nếu tính đến sự nối tiếp của các thế hệ và tính theo hành trình của đường đời thì theo tôi có lẽ Tô Hoài là tác giả có số lượng người đọc phổ biến và đông đảo nhất trong các tác giả của thế kỷ 20. Những đời ông, đời cha, rồi đời con của bao thế hệ độc giả cùng biết đến Dế mèn... cùng hâm mộ Dế mèn; phải nói đó là món quà thật lí thú cho một đời văn...”

Sau 10 năm được giải thưởng Hồ Chí Minh

Mùa thu 1996 - nhà văn Tô Hoài được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên với cụm tác phẩm: Truyện Tây Bắc năm 1953, Vợ chồng A Phủ năm 1969, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ năm 1971. Trong đó tiểu thuyết Tây Bắc cũng như Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc ngay từ 1954 đã được giải nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1970, Tô Hoài còn nhận được giải thưởng Hoa Sen cho tiểu thuyết Miền Tây của Hội Nhà văn Á Phi.

Sau 10 năm được giải thưởng Hồ Chí Minh, Tô Hoài đã có thêm những đóng góp gì? Không thể tính được các loại sách tái bản. Chỉ riêng viết: Hồi ký “ Chiều, chiều”, “101 truyện cổ tích” cũng gần 1000 trang; “Ba người khác”. Bên cạnh đó, Tô Hoài vẫn giữ chuyên mục Tản Văn cho Tuần báo: “Người Hà Nội”. Các bài đăng ở mục này đã tập hợp thành tập sách đầu tiên 400 trang có tựa đề “Giấc mộng ông thợ Rìu”...

Viết bài này, tôi muốn đề đạt lên Đảng, Nhà nước ý nguyện của một số nhà văn: Nhà nước đã phong tặng Anh hùng lao động của ngành khoa học xã hội là giáo sư Vũ Khiêm và giáo sư Trần Văn Giàu. Chúng ta có nên phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn không? Nhà văn Tô Hoài đã tham gia kháng chiến và lao động nghề nghiệp có hiệu quả giáo dục thế hệ trẻ thật xứng đáng...

Theo VOV

Lưu trữ

Quỹ giải thưởng

Quỹ giải thưởng
Quỹ Nhà văn Tô Hoài - Nơi tôn vinh những tài năng văn học nước nhà.

Về chúng tôi

Nhà văn Tô Hoài đã thôi hiện diện trên cõi trần mãi mãi! Nhưng những cuốn sách của ông sẽ còn sống lâu ở cõi trần. văn chương của ông, những con chữ trên các trang sách của ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài cùng người đọc, với người đọc. Người ta nói, khi con...